U MÔ ĐỆM ĐƯỜNG TIÊU HÓA (GIST: gastrointestinal stromal tumor)


U mô đệm đường tiêu hóa là loại u thường gặp nhất trong các loại u trung mô (mesenchymal tumor) đường tiêu hóa, chiếm tỷ lệ khoảng 1-3% tất cả các u ác tính đường tiêu hóa, với tỷ lệ 6-20 trên 1 triệu dân số. Hầu hết u phát xuất từ dạ dày (60%), kế tiếp là từ ruột non (30%), và hiếm hơn ở thực quản và đại tràng (<5%).

U mô đệm đường tiêu hoá có triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu, phát hiện chủ yếu bằng hình ảnh học như chụp cắt lớp vi tính, siêu âm qua nội soi đường tiêu hóa, siêu âm, X quang… Chẩn đoán xác định cuối cùng phải dựa vào mô học, đặc biệt là hóa mô miễn dịch.
Trước đây, u thường được chẩn đoán là u cơ trơn do bởi hình thái mô học giống nhau. Tại Việt Nam , u mô đệm mới được chẩn đoán rất gần đây nhờ vào hóa mô miễn dịch. U thường đề kháng với hóa trị liệu kinh điển và xạ trị, việc điều trị bệnh còn nhiều vấn đề phức tạp.
Sự ra đời của chất ức chế thụ thể tyrosine kinas đã làm nên một cuộc cách mạng trong điều trị u mô đệm, tuy nhiên đáp ứng lâm sàng với hóa trị liệu nhắm trúng đích liên quan với loại đột biến khác nhau.
CƠ CHẾ BỆNH SINH: ĐỘT BIẾN GEN KIT VÀ PDGFRA
Tên gọi u mô đệm đường tiêu hóa được đề nghị năm 1983 bởi hai nhà giải phẫu bệnh học người Mỹ Mazur và Clark, nhưng nguồn gốc của tế bào vẫn chưa biết rõ cho đến năm 1998 khi Hirota và cộng sự báo cáo về bằng chứng hóa mô miễn dịch cho thấy rằng u phát xuất từ tế bào gian kẻ (interstitial cells of Cajal) bởi vì chúng biểu hiện đồng thời kháng nguyên tế bào gốc CD34 và KIT. Hầu hết u có biểu hiện KIT, một thụ thể tyrosine kinase được mã hóa bởi gen KIT. Ít hơn 5% u không có biểu hiện cả CD34 và KIT, những trường hợp này thuộc vào một nhóm nhỏ được chi phối bởi thụ thể yếu tố anpha có nguồn gốc tiểu cầu (platelet-derived growth factor receptor alpha: PDGFRA).
Về mô học, u mô đệm có 3 loại tế bào khác nhau: tế bào hình thoi (70%), tế bào biểu mô (10%), và loại hỗn hợp (20%);
Loại hỗn hợp có thể là loại tế bào trung gian hoặc bao gồm 2 vùng riêng biệt của 2 loại tế bào khác nhau.
Hơn 80% u mô đệm bị đột biến gen KIT và một tỉ lệ hiếm hơn đột biến gen PDGFRA, dẫn tới sự tự hoạt hóa độc lập với chất gắn kết.
ĐIỀU TRỊ VÀ TIÊN LƯỢNG
Sự cắt bỏ khối u bằng phẫu thuật là điều trị được lựa chọn hàng đầu với tỷ lệ sống 5 năm 48-54%.
Đối với những u nhỏ, cắt bỏ u với bờ cắt không còn tế bào ác tính là đủ. Tuy nhiên, đối với u tiến triển và không cắt được, phẫu thuật không phải là phương pháp điều trị hiệu quả.



Không may thay, hầu hết u trung mô đề kháng với xạ trị và hóa trị liệu kinh điển (conventional chemotherapy)với thời gian sống trung bình chỉ từ 12 đến 19 tháng ở những bệnh tiến triển và không cắt bỏ được u. Khoảng 50% bệnh tái phát hoặc di căn sau phẫu thuật lấy bỏ u nguyên phát, và những bệnh này đề kháng với hóa trị và xạ trị.
+ Thuốc ức chế tyrosine kinase (tyrosine kinase inhibitors) là nhóm thuốc mới trong liệu pháp kháng ung thư và những thuốc này cho thấy vai trò rất quan trọng trong điều trị. Cơ chế đề kháng thứ phát với hóa trị liệu nhắm trúng đích của u mô đệm vẫn chưa được biết hết và còn cần nhiều nghiên cứu thêm nữa.
+ Hoá trị dựa trên Platinum ở dạng phối hợp như epirubicin/cisplatin/5-FU hoặc docetaxel/cisplatin/5-FU là những phác đồ hoá trị GIST hàng đầu hiện nay. Các phối hợp hiệu quả khác bao gồm: irinotecan+ cisplatin hoặc oxaliplatin+ irinotecan.
+ Bevacizumab, một kháng thể đơn dòng (monoclonal antibody) chống lạị yếu tố tăng trưởng nội mạc mạch máu (vascular endothelial growth factor=VEGF) đang được đánh giá để dùng cho GIST giai đoạn muộn.
+ Gleevec là thuốc chống ung thư thế hệ mới được dùng mỗi ngày một viên.
Nghiên cứu dùng Gleevec để điều trị cho bệnh nhân bị GIST, với khối u không thể cắt bỏ, cho kết quả:
- 38% giảm kích thước khối u ít nhất là một nửa.
- 59% lui bệnh.
- 75% có những cải thiện rõ rệt.
Sau điều trị, nhiều bệnh nhân nặng đã có thể đi lại và cảm thấy khỏe khoắn. Một số người đi làm trở lại và có cuộc sống bình thường. Trước khi điều trị, một số bệnh nhân từng có khối u nặng tới 9-11,5 kg và tưởng đã hết hy vọng. Tác dụng phụ được ghi nhận thường là nhẹ đến trung bình, và gồm: giữ nước, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, nổi ban trên da, đau cơ, ngộ độc gan và giảm số lượng tế bào máu.

Post a Comment