Xử trí rau cài răng lược


1. Định nghĩa.
Rau cài răng lược là trường hợp bánh rau bám trực tiếp vào cơ tử cung, giữa các gai rau và cơ tử cung không có lớp xốp của ngoại sản mạc, do đó bánh rau bám sâu vào lớp cơ, một số gai rau còn đâm xuyên vào chiều dày của lớp cơ tử cung giống như các răng của một chiếc lược.
2. Nguyên nhân:
- Đẻ nhiều lần
- Nạo thai nhiều lần
- Tiền sử có viêm niêm mạc tử cung.

3. Phân loại: có 2 loại rau cài răng lược.
3.1. Rau cài răng lược toàn phần: là khi toàn bộ bánh rau bám vào cơ tử cung, đo đó không thể bóc rau ra được và chảy máu ít.
3.2. Rau cài răng lược bán phần: là khi chỉ một số múi rau bám vào cơ tử cung, do đó bánh rau có thể bong một phần lớn gây chảy máu, lượng máu chảy ra nhiều hay ít tùy thuộc vào mức độ bong rau và tình trạng co thắt của lớp cơ tử cung.
Có 3 mức độ cài của gai rau:
ü Rau bám chặt.
ü Rau bám xuyên cơ tử cung.
ü Rau xuyên thủng cơ tử cung, có thể bám vào các tạng lân cận.
4. Triệu chứng và chẩn đoán.
4.1. Triệu chứng toàn thân:
Tùy thuộc vào mức dộ mất máu.
4.2. Triệu chứng thực thể.
Ra máu âm đạo:
Nếu là rau cài răng lược toàn phần thì sau khi thai sổ một giờ rau vẫn không bong được tuy không chảy máu.
Nếu là rau cài răng lược bán phần thì sau khi thai đã sổ rau vẫn không bong được nhưng có chảy máu nhiều hay ít tùy theo diện rau bong rộng hay hẹp.
4.3. Chẩn đoán xác định bằng cách cho tay sạch vào buồng tử cung để bóc rau. Nếu là rau cài răng lược bán phần sẽ thấy rau đã bong phần lớn nhưng các múi rau chưa bong còn bám chặt vào tử cung, khó bóc. Nếu là rau cài răng lược toàn phần thì không thể bóc được rau, nếu cố bóc sẽ xé nát lớp cơ tử cung. Kinh nghiệm cho thấy nếu chỉ còn một vài múi rau bị bám chặt thi còn có thể bóc được, còn nếu số lượng múi rau bị bám chặt nhiều hoặc là rau cài răng lược toàn phần thì không nên cố bóc rau vì càng bóc càng gây chảy máu vì lớp cơ tử cung bị xé rách.
4.4. Chẩn đoán phân biệt:
+ Rau bám chặt: rau khó bong do lớp xốp kém phát triển, nhưng vẫn có thể bóc toàn bộ bánh rau bằng tay được.
+ Rau mắc kẹt (rau bị cầm tù): bánh rau đã bong nhưng không sổ tự nhiên được vì bị mắc kẹt ở một sừng của tử cung do một vòng thắt của lớp cơ đan chéo. Đặc biệt hay gặp bánh rau bị mắc kẹt trong trường hợp tử cung dị dạng hai sừng. Tuy vậy chỉ cần cho tay vào buồng tử cung là có thể lấy được rau ra vì bánh rau đã bong hoàn toàn.
5. Xử trí.
5.1. Sau khi thai sổ, nếu chảy máu nhiều từ buồng tử cung hoặc nếu sau sổ thai một giờ bánh rau vẫn không bong thì cách xử trí trước tiên là phải bóc rau nhân tạo và kiểm soát tử cung.
5.2. Nếu rau cài răng lược toàn phần thì không thể bóc được bánh rau, phải tiến hành mổ cắt tử cung bán phần ngay.
5.3. Nếu rau cài răng lược bán phần thì tùy mức độ các múi rau bị bám chặt nhiều hay ít mà xử trí. Nếu có thể bóc được gần hết bánh rau thì bóc bằng tay, để tránh sót rau thì một đến hai ngày sau có thể dùng thìa cùn và to để nạo nốt những mảnh rau còn cài chặt vào lớp cơ. Cần cho kháng sinh chống nhiễm khuẩn. Nếu số lượng các múi rau bị bám chặt còn nhiều, tiên lượng không thể bóc hết được thì tốt hơn cả là nên làm phẫu thuật cắt tử cung bán phần để cầm máu.
5.4. Trường hợp rau tiền đạo cài răng lược phải cắt tử cung bán phần thấp hoặc cắt tử cung hoàn toàn để cầm máu.
5.5. Việc hồi sức trước, trong và sau mổ rất quan trọng, chủ yếu là phải hồi phục khối lượng tuần hoàn bằng cách truyền máu và các dung dịch thay thế máu.

PHÁC ĐỒ XỬ TRÍ
Sau khi thai sổ, nếu chảy máu, hoặc sau khi thai sổ một giờ nếu rau không bong phải bóc rau nhân tạo. Nếu thấy rau dính chặt vào lớp cơ:
1. Thử bóc rau xem có được không, nếu bóc được hết bánh rau thì là rau bám chặt.
2. Nếu không thể bóc được cả bánh rau hay một phần bánh rau, đó là trường hợp rau cài răng lược. Không nên cố rứt bánh rau ra khỏi lớp cơ vì càng gây chảy máu. Nên hồi sức và mổ cắt tử cung bán phần để cầm máu. 

Post a Comment